Đến với vùng đất cách mang Cao Bằng, bạn không những chỉ được chiêm ngưỡng những cảnh quan xinh đẹp nơi đây mà bạn còn có cơ hội thưởng thức những món ăn đặc sản nổi danh khắp vùng.
Khi nhắc đến đặc sản Cao Bằng thì không thể không nhắc đến món bánh cuốn canh dân dã và lạ miệng.
Đôi nét về bánh cuốn canh Cao Bằng

Đôi nét về bánh cuốn canh Cao Bằng
Nếu người Hà Nội đã quá quen với bánh cuốn Thanh Trì nổi tiếng thì bánh cuốn canh cũng đã rất đỗi quen thuộc với người Cao Bằng. Cùng được làm từ gạo, nhưng bánh cuốn Cao Bằng mang nhiều nét độc đáo, mà đối với người đã ăn quen bánh cuốn Hà Nội sẽ cảm thấy có đôi phần “kì cục” nhưng chắc chắn sẽ khó quên.
Bánh cuốn Cao Bằng có độ dẻo, dai, bánh mịn, mềm mướt, có màu trắng đục, trong veo, chứ không trắng tinh như đa số các loại bánh cuốn khác.
Nét độc đáo của bánh cuốn Cao Bằng
Gạo làm bánh được tuyển chọn kĩ lưỡng
Những người làm bánh lâu năm ở đây chia sẻ để có những mẻ bánh cuốn canh ngon thì phải có nguyên liệu chuẩn. Nguyên liệu chính là gạo tẻ được trồng trên đất Cao Bằng với những hạt gạo trắng đều, dẻo thơm và dai còn nếu gạo không ngon thì bánh sẽ không trắng mịn và có mùi thơm đặc trưng của bánh cuốn Cao Bằng.
Đây là hương vị đặc trưng ấy của bánh cuốn Cao Bằng có được là nhờ loại gạo Đoàn kết, gọi theo giống lúa cùng tên. Giống lúa này có thể trồng ở nhiều nơi khác nữa, nhưng đặc biệt chỉ có trồng ở đất Cao Bằng mới cho ra loại gạo làm bánh cuốn ngon.
Hạt gạo nhỏ, màu trắng ngà. Sau khi gặt người ta không xay sát bằng máy mà giã tay thủ công, nên hạt thường vỡ làm hai, làm ba. Loại gạo này để nấu cơm thì rất khô nhưng ngâm để xay bột làm bánh cuốn thì bánh mềm, dai và mướt dẻo vô cùng. Đó là lý do vì sao người Cao Bằng chỉ dùng duy nhất loại gạo này để làm bánh cuốn.

Nét độc đáo của bánh cuốn Cao Bằng
Nhân bánh cuốn khác lạ
Khác với bánh cuốn Hà Nội nhân thường gồm mọc nhĩ với chút thịt băm xào, nhân bánh cuốn Cao Bằng không dùng mọc nhĩ mà thay bằng nấm hương, và thịt thì nhiều ăm ắp. Cả hai thứ đều băm nhỏ, xào thơm phức cùng hành mỡ, thêm chút tiêu cho dậy mùi.
Người tráng trải đều tấm bánh còn nóng hổi lên mâm đã phết chút dầu ăn, rải nhân lên và nhanh tay cuốn lá bánh, động tác vừa nhanh nhẹn, gọn gàng, lại vừa lả lơi, mềm mại như nâng niu chiếc bán.
Các món ăn kèm
Một đĩa bánh cuốn Cao Bằng thường bao gồm trứng gà cuộn bánh kèm theo cây giò nhỏ được làm nguyên chất từ thịt lợn sạch. Cây giò nhỏ nhưng mang vị thơm ngọt đặc trưng của thịt tươi, độ đậm đà của chút mắm
Mỗi cái giò nhỏ được gói cẩn thận trong lá chuối, khi ăn mới bóc ra cho vào cạnh nồi hấp cùng bánh để làm nóng. Trứng gà đập ra, đổ lên tấm bánh còn nóng hổi trên khuôn tráng, người chủ quán nhanh tay gấp các góc bánh lại vuông vắn, cuộn bọc lấy quả trứng bên trong. Trứng chín tới, bên trong còn lòng đào, bên ngoài là tầng tầng lớp lớp vỏ bánh trông rất hấp dẫn.
Nước dùng đặc biệt cho món bánh cuốn canh
Điểm đặc biệt và mang lại hương vị riêng cho bánh cuốn Cao Bằng là nước dùng.
Nếu như bánh cuốn người Hà Nội thường ăn là bánh cuốn chay, cuốn thịt hay bánh cuốn trứng chấm với nước mắm pha tỏi ớt thì bánh cuốn Cao Bằng lại được dùng với nước canh xương.
Một bát nước xương đã được ninh nhừ thơm lựng, không có váng mỡ mà ngọt lịm, thoảng hương tủy xương. Có thể không đậm đà như nước mắm pha đã gia giảm chua ngọt nhưng canh xương có vị ngọt thanh, thêm chút hành hoa, rau mùi, nấm hương, mộc nhĩ và vài thìa thịt băm nhuyễn là đã đủ hấp dẫn bất cứ ai tới thưởng thức món ăn này.
Khi khách ăn, bát nước xương được múc ra nóng hổi, thêm thìa thịt băm xào nấm hương như trong nhân bánh, trứng cuộn và giò hấp thả vào, thêm lá mùi tàu thái chỉ… Thế thôi là đủ hấp dẫn từ thị giác, đến khứu giác và vị giác của bất kỳ thực khách nào.
Cách thưởng thức bánh cuốn canh
Theo cách thưởng thức bánh cuốn của người Cao Bằng, bánh sẽ nhúng ngập trong bát canh được hòa thêm chút tương ớt, măng chua, dùng thìa và đũa vớt lên như khi ăn bún, phở.
Sự hòa quyện giữa vị thanh mát của miếng bánh cuốn cùng nước xương hầm thơm, ngọt, béo ngậy của trứng, giò và vị thơm dịu riêng có của quả mắc mật cay nồng sẽ khiến ai tới đây ăn cũng ấn tượng
Chút biến tấu khi bánh về Hà Nội

Chút biến tấu khi bánh về Hà Nội
Tại Hà Nội, người ăn có thể lựa chọn bánh cuốn canh đúng điệu Cao Bằng hoặc vẫn là những tấm bánh cuốn Cao Bằng nhưng ăn với nước mắm pha. Nước mắm ngon pha nhạt, vừa đủ độ thanh ngọt được múc ra bát khi còn nóng ấm. Người dùng sẽ tự thêm vào vài lát ớt tươi hay chút tương ớt, vắt thêm vài giọt chanh hay thìa dấm tỏi, tùy khẩu vị.
Nhưng để cảm nhận được “chất” Cao Bằng trong hương vị của món ăn này thì chuẩn nhất vẫn phải thêm mấy lát măng cay móc mật. Quả chín không những có vị chua thanh, ngọt mà còn thơm. Khi muối, thịt quả bị rã ra, nước dịch hòa lẫn vào măng tạo nên độ quện đặc trưng mà măng cay vùng khác ít có.
Ăn bánh cuốn Cao Bằng thưởng thức bằng bát canh nóng, bánh cuốn nóng hổi và xuýt xoa trước độ cay của tương ớt có vị cay của quả mắc mật có vị thơm dịu. Bánh cuốn canh Cao Bằng tuy giản dị nhưng đây lại là món quà đầy lưu luyến mà bất kì ai có cơ hội đến Cao Bằng đều muốn được thưởng thức dù chỉ 1 lần!