Mắm là một đặc sản quen thuộc và rất đặc trưng của Việt Nam. Suốt dọc từ Bắc xuống Nam, ở đâu người ta cũng ăn mắm. Mắm không chỉ có một loại mà có vô vàn những biến tấu khác nhau, ở mỗi một vùng miền lại có một loại mắm riêng. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu cho bạn một số loại mắm nổi tiếng, đặc sản Việt Nam.
Nước mắm cá
Nước mắm cá là loại nước mắm phổ biến và nổi tiếng nhất trong tất cả những loại mắm Việt Nam. Nước mắm cá từ lâu đã là một loại gia vị không thể thiếu trong mỗi bữa ăn của nhiều gia đình Việt. Nó vừa được sử dụng trực tiếp như một loại nước chấm hoặc chế biến vào các món ăn khác để tạo ra hương vị đậm đà.

Nước mắm cá là loại nước mắm phổ biến và nổi tiếng nhất trong tất cả những loại mắm Việt Nam.
Để làm ra nước mắm cá, người làm mắm phải tiến hành làm sạch, ướp muối thật mặn, ủ qua nhiều ngày rồi chắt nước cốt từ những con cá tươi rói vừa được đánh bắt từ biển. Cá được dùng để làm mắm có nhiều loại như cá thu, cá nục,… nhưng ngon nhất vẫn là cá cơm.
Ở Việt Nam, có rất nhiều tỉnh thành nổi tiếng với nghề làm nước mắm cá truyền thống, có thể kể đến như Cát Bà (Hải Phòng), Phan Thiết (Kiên Giang). Nha Trang (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).
Mắm tôm
Nhắc đến ẩm thực miền Bắc thì không thể không nhắc đến mắm tôm. Mắm tôm là mắm được ủ và làm với nguyên liệu chủ yếu là tôm, tép. Đặc biệt, vùng Hậu Lộc, Thanh Hóa còn sử dụng muối và con moi biển để làm mắm. Có lẽ vì vậy mà loại mắm tôm này nổi tiếng hơn cả và được đã được cấp chứng nhận bởi Cục sở hữu trí tuệ vào năm 2010.

Nhắc đến ẩm thực miền Bắc thì không thể không nhắc đến mắm tôm
Mắm tôm ngon thì nhất định phải có màu tim tím tựa như màu sim chín, nước mắm sánh mịn, không còn lẫn muối hạt. Mùi hương của mắm tôm rất đặc trưng và khá nặng mùi vì vậy hơi kén người ăn. Nhưng nếu đã một lần ăn thử mắm tôm, bạn sẽ không bao giờ quên được hương vị ngọt đậm đà đặc trưng của loại mắm này.
Tại miền Bắc, mắm tôm có thể được dùng làm nước chấm với bún, đậu, lòng lợn,…. hoặc thậm chí được dùng như một loại gia vị không thể thiếu của một số món ăn như bún riêu, bún thang, giả cầy, rượu mận,….
Mắm cáy
Mắm cáy là loại mắm vô cùng đặc biệt và có một không hai của tình Thái Bình. Đúng như với cái tên của mình, mắm cáy là loại mắm được làm từ con cáy, một loại động vật thuộc họ cua thường được tìm thấy ở các tỉnh trong vùng duyên hải.

Mắm cáy là loại mắm có một không hai của tình Thái Bình
Người Thái Bình thường làm mắm cáy bằng cách tẩm ướp muối thật mặn cho những con cáy đã giã nhuyễn thịt, bỏ vào chum kín rồi phơi chum dưới 7 đến 10 ngày nắng. Mắm sau khi bỏ ra khỏi chum sẽ được trộn cùng thính và men rượu để tạo nên mùi thơm đặc trưng.
Mắm cáy ngon nhất khi được chấm với dưa, cà muối hoặc rau luộc. Ngoài ra, bún mắm cáy cũng là một đặc sản nhất định phải thử của tỉnh Thái Bình.
Mắm tôm chua
Người Huế nói riêng và người dân các tỉnh miền Trung nói chung luôn tự hào với món mắm tôm chua. Mắm tôm chua nhìn từ bên ngoài vô cùng đẹp mắt với màu đỏ tươi, nước trong và những con tôm mọng nước bên trong.

Người dân các tỉnh miền Trung nói chung luôn tự hào với món mắm tôm chua.
Để làm ra một hũ mắm tôm chua, người ta sẽ đem ngâm những con tôm tươi còn sống trong rượu, tôm sau khi được ngâm vừa đủ sẽ được trộn đều với muối ăn cùng riềng, tỏi, ớt, mắm và đường. Cuối cùng, hỗn hợp vừa hoàn thành sẽ được ủ trong một hũ kín cho đến khi những con tôm bên trong chuyển thành màu chín đỏ và dậy lên mùi thơm đặc trưng.
Tôm chua ở Huế thường được ăn kèm với thịt luộc và rau thơm. Chính bởi hương vị cay, và chua ngọt thanh mát mà tôm chua được rất nhiều người ưa chuộng.
Mắm nêm
Mắm nêm là loại mắm đặc trưng và làm nên tên tuổi của ẩm thực Đà Nẵng. Có thể thấy, nó góp mặt trong hầu hết những món ăn đặc sản Đà Nẵng như bánh tráng cuốn thịt heo, bún, bánh ướt,…. thậm chí là trong những bữa cơm gia đình của người dân xứ Đà Thành.

Mắm nêm là loại mắm đặc trưng và làm nên tên tuổi của ẩm thực Đà Nẵng
Mắm nêm được làm từ những con cá ướp muối được ủ trong ba tháng rồi trộn đều cùng đường, chanh, tỏi băm, ớt,… tạo nêm hỗn hợp màu nâu, quánh sệt, thơm lừng.
Mắm còng
Mắm còng từ lâu đã là một loại nước chấm không thể thiếu trong những bữa cơm của những người dân miền Tây Nam Bộ, đặc biệt là người dân vùng Long An, Bến Tre, Tiền Giang.
Những con còng được chọn để làm mắm sẽ được làm sạch, tách bỏ phần yếm rồi đem phơi dưới nắng sau đó ủ trong lọ kín cùng một số loại gia vị. Sau khoảng 45 ngày, bạn sẽ có được một hũ mắm còng thơm ngon đúng điệu.

Mắm còng là một loại nước chấm không thể thiếu trong những bữa cơm miền Tây Nam Bộ
Mắm còng cũng được xem như bí quyết tạo nên vị ngon đậm đà và mùi hương đặc biệt cho những bát bún riêu nơi đây.
Mắm rươi
Nếu như rươi tại Hải Dương được chế biến thành chả thì ở Trà Vinh, rươi lại được biến hóa thành món mắm rươi nức tiếng gần xa. Người Trà Vinh sành ăn khi ăn mắm rươi phải vắt thêm chút chanh, cắt thêm vài lát ớt rồi dùng kèm với thịt luộc, rau sống có vị hăng hay những loại rau có mùi nồng như rau tần ô, rau cần, hành lá, hẹ,….

Ở Trà Vinh, rươi lại được biến hóa thành món mắm rươi
Một hũ mắm rươi đúng chuẩn Trà Vinh nhất định phải được làm từ những con rươi ủ trong hũ cùng với nước và muối hột. Khác với những loại mắm thông thương khác, sau khi ủ xong, mắm không được ăn ngay mà phải được đem đi phơi dưới 10 đến 15 ngày nắng mới có thể sẵn sàng sử dụng.
Trên đây là một số những các loại mắm đặc sản nổi tiếng của Việt Nam. Bạn đừng quên tìm mua và thử thưởng thức một lần khi đặt chân tới những địa điểm này nhé.